Cách tính BMI để xác định cân nặng hợp lý

BMI là gì?

Chỉ số khối cơ thể (viết tắt: BMI) còn được gọi là chỉ số Quetelet, là thước đo kích thước cơ thể có công thức là: BMI = kg/m2  : kilogam / (mét * mét). Trong đó kg là số cân nặng của một người và m là chiều cao của người đó. Đây là một phương pháp tính toán được sử dụng để xác định xem liệu cân nặng của một người có hợp lý với chiều cao của họ hay chưa.

Ví dụ, một người nặng 70kg và chiều cao là 162cm thì chỉ số BMI được tính như sau:

BMI = 70 / (1.6 *1.6) = 27.3 ở mức thừa cân tiền béo phì. Lưu ý chiều cao được tính bằng mét.

Ví dụ 2: một người nặng 52kg và cao 153cm thì chỉ số BMI = 62/(1.53*1.53) = 22.21 tức ở mức trung bình, dù hơi đầy đặn một chút.

Chỉ số BMI cho biết một người thừa hay thiếu cân ở mức độ nào. Qua đó lựa chọn được phương pháp giảm cân phù hợp. Bạn có thể tính thử BMI và nhận ngay thực đơn và những lời khuyên để giảm BMI bằng công cụ dưới đây.

BMI được đề xuất vào năm 1832 bởi một nhà toán học, thiên văn học và thống kê người Bỉ tên là Adolf Quetelet. Công thức này được áp dụng cho cả người lớn và trẻ em từ hai tuổi. Và nó chỉ là một chỉ số chung chứ không phải là một phép đo trực tiếp tổng lượng mỡ cơ thể của một người nhất định.

BMI được cho là tỉ lệ thuận với tổng lượng mỡ trong cơ thể. Có nghĩa là khi chỉ số BMI tăng lên, tổng lượng mỡ trong cơ thể của một người cũng tăng lên. Nếu chỉ số BMI của bạn quá cao thì có thể tìm cách điều chỉnh bằng cách ăn Keto.

WHO định nghĩa một người trưởng thành có chỉ số BMI:

  • Dưới 18,5 được coi là thiếu cân
  • Từ 18,5 đến 24,9 là cân nặng khỏe mạnh
  • Từ 25 đến 29,9 là thừa cân
  • Từ 30 trở lên được coi là béo phì

Nói một cách chính xác thì BMI là một công cụ sàng lọc có thể cho biết một người có bị thiếu cân hay họ có cân nặng hợp lý, thừa cân hay béo phì. Bạn cũng cần biết rằng BMI không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể và nó không tính tuổi, giới tính, dân tộc hoặc khối lượng cơ ở người lớn. Song, nó có thể giúp cho các bác sĩ theo dõi tình trạng cân nặng và xác định các vấn đề tiềm ẩn ở các cá nhân.

Nếu chỉ số BMI của một người nằm ngoài giới hạn khỏe mạnh, sức khỏe của họ sẽ mang những nguy cơ xấu.

Quá thừa cân có thể dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao và các vấn đề tim mạch. Hoặc quá thiếu cân có thể làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng thấp còi, loãng xương và thiếu máu. Nếu bạn lo lắng về cân nặng của mình, bạn nên thường xuyên kiểm tra và thảo luận kết quả của mình với bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.

Mức độ liên quan lâm sàng của BMI

BMI là một chỉ số về tổng lượng chất béo trong cơ thể ở nhiều người. Vì vậy, nó được coi là một chỉ số báo hiệu của nguy cơ sức khỏe.

BMI được các chuyên gia và bác sĩ chăm sóc sức khỏe sử dụng để sàng lọc những người thừa cân và béo phì. Chỉ số BMI được sử dụng để đánh giá rủi ro sức khỏe của một người liên quan đến béo phì và thừa cân. Chẳng hạn như những người có chỉ số BMI cao sẽ có các nguy cơ sức khỏe sau:

  • Cholesterol trong máu cao hoặc các rối loạn lipid khác
  • Bệnh tiểu đường loại 2
  • Bệnh tim
  • Đột quỵ
  • Huyết áp cao
  • Một số bệnh ung thư
  • Bệnh túi mật
  • Ngưng thở khi ngủ và ngáy
  • Viêm xương khớp và bệnh khớp

Tuy nhiên, chỉ số khối cơ thể BMI là một trong những công cụ được sử dụng để tính toán rủi ro sức khỏe, nó không bao quát được hết các yếu tố khác. Chúng ta cần áp dụng thêm nhiều phương pháp khác mới có thể kiểm tra được sức khỏe tổng thể bao gồm nhiều yếu tố như huyết áp, mức cholesterol, lượng đường trong máu, tiền sử gia đình mắc bệnh tim, tuổi, giới tính, vòng eo, mức độ hoạt động thể chất, tình trạng mãn kinh, tình trạng hút thuốc,… Các yếu tố này cũng phải được xem xét trong khi đánh giá nguy cơ sức khỏe.

Biểu đồ BMI

Biểu đồ BMI là một bảng biểu diễn đồ họa của BMI theo chiều cao và cân nặng của một người. Bảng BMI giúp bạn tìm ra bạn thuộc nhóm nào, chỉ số BMI thiếu cân hay khỏe mạnh, chỉ số BMI thừa cân, chỉ số BMI béo phì hoặc cực kỳ béo phì.

Do ở trẻ em sẽ có sự thay đổi liên tục qua từng năm nên chỉ số BMI của trẻ được đo bằng biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn. Đây là một biểu đồ được sử dụng để theo dõi quá trình phát triển của trẻ liên quan đến sự tăng trưởng. Nó cho biết chiều cao và cân nặng có thể có của đứa trẻ khi trưởng thành.

Sau 18 tuổi sẽ có biểu đồ tiêu chuẩn của người lớn, và được phân chia theo giới tính vì có sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ. Chẳng hạn như phụ nữ thường được cho là có nhiều mỡ cơ thể hơn so với nam giới, phụ nữ ở mức 20% còn nam giới thường khoảng 17% lượng mỡ cơ thể.

Ưu điểm của BMI

Chỉ số BMI giúp các bậc cha mẹ có thể nhận biết được con mình có nguy cơ béo phì hay không, đặc biệt ở giai đoạn vị thành niên. Điều này giúp họ tránh được các vấn đề sức khỏe không tốt có liên quan đến việc thừa cân khi đứa trẻ lớn hơn. Chúng ta có thể cải thiện vấn đề thông qua việc tập thể dục thường xuyên và thói quen ăn uống lành mạnh.

Nếu bạn thường xuyên theo dõi chỉ số BMI của mình thì bạn cũng sẽ biết được và cải thiện hoặc duy trì tình trạng sức khỏe của bản thân. Điều đó giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, cholesterol cao, nguy cơ đột quỵ, tiểu đường, đau tim và tử vong. Tất cả tình trạng này đều có thể xảy ra khi chỉ số BMI của bạn thấp hơn hoặc cao hơn mức bình thường khiến bạn bị thiếu cân hoặc béo phì.

Việc đo chỉ số BMI cho phép Bộ Y tế đánh giá rủi ro trung bình đối với cộng đồng. Đây là một cách tương đối dễ dàng để đo tỷ lệ béo phì trong một nhóm người nhất định.

Nhược điểm của BMI

BMI là một công cụ hữu ích, nhưng nó không thể xác định xem trọng lượng của một người là do cơ hay mỡ tạo nên. Chỉ số BMI không tính cụ thể được chất béo trong cơ thể đến từ đâu hoặc nằm ở đâu trong cơ thể. Do đó, mặc dù chỉ số BMI của bạn cho thấy đang ở mức bình thường, nhưng việc có mỡ thừa ở một số vùng nhất định trên cơ thể vẫn có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như đau tim. Một ví dụ nho nhỏ là mặc dù không thừa cân nhưng có mỡ thừa vùng bụng có thể khiến vòng eo của phụ nữ vượt quá kích thước tiêu chuẩn và họ vẫn thừa chất béo, điều này có thể đe dọa đến sức khỏe.

Ngoài ra, có một sự thật chúng ta dễ thấy đó là BMI chỉ được đánh giá thông qua trọng lượng của một người. Chẳng hạn như các vận động viên cử tạ và vận động viên thể hình. Do hình thức đào tạo thể chất đặc biệt, họ thường có rất ít mỡ trong cơ thể và được bù đắp bởi trọng lượng cơ của họ. Như vậy việc đo lường BMI có thể cho thấy rằng họ đang thừa cân và có chỉ số BMI cao hơn một người không hoạt động nhiều. Nhưng thực chất điều này không có nghĩa là vận động viên thừa cân hoặc không khỏe mạnh.

Chỉ số khối cơ thể BMI không thể phân biệt giữa các loại chất béo mà bạn mang theo. Có hai loại chất béo trong cơ thể người, mỗi loại có một chức năng khác nhau. Chất béo dưới da không ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe của bạn ngoài việc làm cho ngoại hình của bạn trông đầy người hơn ở những vị trí như bắp tay, hông hoặc đùi. Loại còn lại là chất béo ẩn, được tìm thấy xung quanh các cơ quan chính trong cơ thể. Nếu quá nhiều, nó sẽ gây ra nguy cơ đe dọa sức khỏe đáng kể cho một cá nhân. Ví dụ, bệnh tim mạch và huyết áp cao có nhiều khả năng xảy ra ở những người tích nhiều chất béo – được gọi là mỡ nội tạng – nó thuộc về phần nội tạng chứ không phải là do mỡ thừa dưới lớp da ở hông.

Chúng ta cũng nên tìm hiểu và sử dụng các thước đo khác của kích thước cơ thể bao gồm tỷ lệ eo-hông, tỷ lệ eo trên chiều cao và thành phần cơ thể, đo lượng mỡ và khối lượng cơ thể nạc. Các hệ thống đo lường này tập trung nhiều hơn kĩ hơn vào lượng chất béo của một người và sự phân bố của nó trên cơ thể chúng ta. Như vậy cùng với BMI, các biện pháp bổ sung này sẽ giúp đánh giá chính xác và tường tận hơn các rủi ro sức khỏe liên quan đến cân nặng của một cá nhân.

BMI cho trẻ em

Mặc dù chỉ số BMI thậm chí không phải là thước đo trực tiếp hoặc hoàn hảo về lượng chất béo trong cơ thể của bạn, nhưng hầu hết trẻ em ở hoặc thậm chí cao hơn phân vị thứ 95 đều được phân loại là béo phì. Phân vị BMI của trẻ tương tự như chỉ số BMI của người lớn nhưng thay vì tính toán theo công thức thì bạn chỉ cần dựa trên biểu đồ phân vị để đối chiếu các chỉ số trên đó. Dựa vào đó cân nặng của trẻ sẽ được xếp theo phần trăm từ 0 – 100%.

Nếu chỉ số BMI của trẻ dưới phân vị thứ 5, trẻ được coi là nhẹ cân và trong một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh. Một đứa trẻ có chỉ số BMI từ phân vị thứ 5 đến phân vị thứ 85 nằm trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh được khuyến nghị. Trẻ em có chỉ số BMI từ 85 đến 94% được cho là béo phì, điều này có thể là do cơ thể hoặc cơ bắp có nhiều mỡ hơn.

Tầm quan trọng của việc kiểm tra chỉ số BMI

Biết chỉ số BMI của bản thân là điều cần thiết vì bạn có thể xác nhận xem cân nặng của mình có bình thường hay không. Điều này tạo cơ hội cho bạn duy trì hoặc giảm hoặc tăng cân vì chúng ta đều biết rằng cả thừa cân và thiếu cân đều có thể khiến mình mắc nhiều bệnh khác nhau. Và không một ai mong muốn có bất kỳ biến chứng nào về sức khỏe chỉ vì mình quá béo hoặc quá gầy cả. Đó là lý do tại sao bạn nên theo dõi chỉ số BMI thường xuyên để biết phải làm gì để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.

Để có một sức khỏe tốt, hãy thay đổi lối sống bằng cách ăn những thực phẩm lành mạnh hơn và thực hiện những thói quen tốt hơn như tập luyện thường xuyên, ngủ đủ giấc,… có thể giúp bạn duy trì cân nặng ở mức bình thường.

Điều quan trọng cần lưu ý là, để bạn có được độ chính xác cần thiết, bạn cần kết hợp chỉ số BMI với các phương pháp đo lường khác. Việc này cho phép bạn đánh giá cân nặng của mình một cách tổng thể và giúp tìm ra sự cân bằng phù hợp để duy trì một lối sống lành mạnh.

Hãy hài lòng với bản thân, thực hiện từng bước một, ăn uống lành mạnh và đủ chất. Luôn có động lực dù bạn đang ở mức độ BMI nào. Hãy nhớ rằng để làm bất cứ điều gì mà có hiệu quả, nó phải được thực hiện bằng trí tuệ, kiến ​​thức, sự hiểu biết và lòng kiên trì.

Sự khác biệt về chỉ số khối cơ thể giữa nam và nữ

Thông thường thì đàn ông sẽ nặng hơn phụ nữ, vậy chỉ số khối cơ thể BMI của họ thì sao?

Chúng ta thường thấy, giá trị BMI của các bé gái cao hơn một chút so với bé trai từ 7 đến 16 tuổi. Và miễn là nam và nữ không thừa cân thì giá trị BMI của nam cũng cao hơn một chút so với nữ sau 18 tuổi.

Còn nếu trong trường hợp thừa cân, nó lại là một câu chuyện khác. Vào khoảng 18 tuổi, giá trị BMI của nam và nữ trở nên ngang nhau ở phân vị thứ 85 (ngưỡng thừa cân) là 25 kg / m 2 .

Ngoài ra, đối với người trưởng thành trung niên, phụ nữ thừa cân có xu hướng có BMI cao hơn nam giới thừa cân.

Đàn ông và phụ nữ có nên có ngưỡng thừa cân khác nhau không?

Có nhiều bằng chứng khoa học đã được công bố cho thấy nam giới và phụ nữ nên có ngưỡng thừa cân khác nhau. Sau đây là bốn loại bằng chứng tồn tại:

  • Tỷ lệ mỡ cơ thể
  • Sự khác biệt BMI trung bình
  • Công bằng thống kê
  • Bằng chứng trực quan

Chúng ta hãy cùng phân tích từng mục nhé!

  • Tỷ lệ mỡ trong cơ thể

Chúng ta đều biết được rằng phụ nữ mang nhiều chất béo hơn nam giới nhờ một loạt các phương pháp được sử dụng để đo lượng mỡ cơ thể. Không có gì nghi ngờ hay tranh cãi về điều này bởi đây là việc bình thường.

Định nghĩa “thừa cân” dựa trên tỷ lệ phần trăm chất béo cơ thể đối với nam giới là ở ngưỡng 25% chất béo cơ thể. Tuy nhiên, ngưỡng thừa cân của phụ nữ lại đa dạng hơn ở các mức 30%, 33% hoặc 35% chất béo cơ thể.

Vậy tại sao phụ nữ có 3 ngưỡng khác nhau (30%, 33% hoặc 35%) đối với chất béo trong cơ thể?

Vì có nhiều nghiên cứu diễn ra nên cũng có nhiều kết quả ra đời. Các ngưỡng khác nhau cho thấy không có sự thống nhất giữa các nhà khoa học, vì vậy các nhà khoa học quyết định chọn số phần trăm khác nhau, nhưng chúng ta cũng có thể thấy ngưỡng này đều từ 30% trở lên cả.

Bình thường, cơ nặng hơn mỡ, phụ nữ có nhiều mỡ hơn đàn ông và đàn ông thì có nhiều cơ bắp hơn phụ nữ. Vì vậy, giả sử một người nam và một người nữ có cùng chiều cao, liệu họ có cân nặng như nhau và chỉ số khối cơ thể của họ có giống nhau không?

Câu trả lời là không. Nó sẽ là một sự trùng hợp hiếm hoi khi cơ bắp thừa của đàn ông cân bằng chính xác lượng mỡ thừa của phụ nữ.

Các nghiên cứu đã đo chỉ số BMI trung bình của những người có tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể ở ngưỡng thừa cân và tỷ lệ này là 25% ở nam giới và 33% ở nữ giới.

  • Khoa học và các nghiên cứu đằng sau sự khác biệt BMI giữa nam và nữ

Một nghiên cứu y tế cho thấy khoảng cách BMI phù hợp giữa BMI của nam và nữ là 2 kg / m 2 .

Tuy nhiên một nghiên cứu khác cho thấy sự chênh lệch chỉ số BMI sẽ là 5 kg / m 2 .

Hơn nữa, nghiên cứu thứ ba cho thấy khoảng cách BMI nên là 1,4 kg / m 2. Có rất nhiều kết quả khác nhau và dường như là không có thỏa thuận hoặc câu trả lời đúng duy nhất.

Nếu chúng ta lấy kết quả trung bình thì khoảng cách BMI trung bình giữa nam và nữ sẽ là 2,3 kg / m 2 . (Tính toán này được áp dụng đối tượng ở độ tuổi 25 và 35, lượng mỡ trong cơ thể là 25% đối với nam giới, 33% đối với phụ nữ.)

Có thể kết luận rằng bằng chứng về tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể cho thấy rằng nam giới nên có chỉ số BMI cao hơn nữ giới khoảng 2,3 kg / m 2.

  • Sự khác biệt BMI trung bình giữa nam và nữ 

Các nhà nghiên cứu đã tổ chức rất nhiều cuộc điều tra dân số lớn để đo chỉ số khối cơ thể. Các nghiên cứu sử dụng giá trị BMI trung bình, phần nào đại diện cho những người ‘trung bình’ (BMI ở mức bình thường).

Những nghiên cứu này luôn chỉ ra rằng nam giới trung bình có giá trị BMI cao hơn phụ nữ trung bình. Nhưng khoảng cách BMI trung bình giữa nam và nữ có sự thay đổi theo độ tuổi. Đó là do độ béo thường tăng lên theo tuổi tác và phụ nữ thường tăng mức độ nhiều hơn so với nam giới.

Ở Mỹ, NHANES I nghiên cứu năm 1971-1974 và NHANES III nghiên cứu năm 1988-1994, cho thấy khoảng cách giữa nam và nữ đã thu hẹp từ 1,85 xuống 1,45 kg / m 2 . Nó cho thấy trọng lượng dân số Hoa Kỳ gần với mức lý tưởng vào những năm 1970 hơn những năm 1990. Do đó, khoảng cách 1,85 kg / m 2 giữa BMI của nam và nữ có vẻ là phù hợp hơn một chút.

  • Công bằng thống kê

Một vấn đề với ngưỡng thừa cân hiện tại của các tổ chức như CDC và WHO là 25 kg / m 2 là không công bằng đối với nam giới.

Vì theo ngưỡng này thì tỉ lệ nam giới thừa cân rất nhiều. Nếu ngưỡng nam cao hơn hoặc nữ thấp hơn ngưỡng “thừa cân” này thì tỷ lệ nam và nữ thừa cân sẽ bình đẳng hơn.

Một nghiên cứu của Đan Mạch đã sử dụng một phương pháp thống kê thuần túy để xác định các ngưỡng BMI thay thế cho ngưỡng thừa cân thông thường với sự bình đẳng giữa nam và nữ như một tiêu chí thống kê quan trọng.

Nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI ở mức thừa cân là 27,2 kg / m 2 đối với nam và 25,0 kg / m 2 đối với nữ. Khoảng cách giữa các con số này là 2,2 kg / m 2 .

  • Bằng chứng trực quan

Một nghiên cứu về ngoại hình của những người tham gia, được đánh giá bởi sự tương đồng của họ với hình dạng các số liệu tiêu chuẩn, cho thấy ngưỡng béo phì của chỉ số BMI là 31,5 đối với nam giới và 29,9 đối với phụ nữ. Khoảng cách giữa ngưỡng BMI của nam và nữ là 1,6 kg / m 2 .

Tóm lược về khoảng cách giữa BMI của nam và nữ

Bằng chứng về tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể cho thấy khoảng cách là 2,3 kg / m 2 . Bằng chứng BMI trung bình cho thấy khoảng cách là 1,85 kg / m 2 . Sự công bằng về mặt thống kê và bằng chứng trực quan cũng gợi ý giá trị khoảng cách. Giá trị trung bình của các giá trị khoảng cách này là 2,0 kg / m 2 .

BMI có áp dụng cho tất cả các đối tượng không?

Đối với hầu hết mọi người, chỉ số BMI có thể được sử dụng để đo lường mức độ béo phì. Nhưng BMI không cung cấp được thông tin cụ thể về thành phần cơ thể như lượng cơ, xương, chất béo và các mô khác.

Ở một số người, BMI là thước đo lượng mỡ cơ thể ít chính xác hơn so với những người khác. Ví dụ, những người có cơ bắp chắc khỏe nhưng lại có thể rơi vào loại “thừa cân” trong khi họ thực sự khỏe mạnh và rất cân đối. Hoặc những người có tỷ lệ mỡ cơ thể rất thấp nhưng lại có cùng điểm số BMI với người thừa cân. Tương tự, một người già và ốm yếu nhưng có thể ở mức cân nặng bình thường khi thực tế họ có ít cơ và tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao. Tất cả là do BMI được tính toán và đánh giá dựa trên trọng lượng cơ thể và chiều cao của một người mà không quan tâm đến các yếu tố khác.

Chỉ số BMI, khi được sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển, những người có khung hình cơ thể lớn hoặc cơ thể nhỏ nhắn, phụ nữ mang thai và những người có cơ bắp cao phải cần được đánh giá cẩn thận, bên cạnh đó nên kết hợp các phương thức đánh giá và kiểm tra sức khỏe khác để có kết quả thuyết phục hơn.

Cách các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe sử dụng BMI

BMI không đủ chính xác để sử dụng làm công cụ chẩn đoán, nhưng nó có thể sàng lọc các vấn đề về cân nặng tiềm ẩn ở người lớn và trẻ em.

Nếu ai đó có chỉ số BMI cao hoặc thấp, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ để ý xem xét các yếu tố khác của họ, chẳng hạn như:

  • Đo độ dày nếp gấp da, cho biết lượng chất béo trong cơ thể ở người lớn và trẻ em
  • Đánh giá chế độ ăn uống và hoạt động thể chất
  • Hỏi thăm về tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác
  • Đề xuất các kiểm tra sức khỏe thích hợp khác

Sau đó, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống và tập thể dục cho họ dựa trên những kết quả này.

Nguy cơ sức khỏe khi tăng cân

Cân nặng quá mức có những tác động sau đây đối với cơ thể:

  • Làm tăng cường độ hoạt động của tim
  • Làm tăng huyết áp, mức cholesterol trong máu và chất béo trung tính
  • Làm giảm lipoprotein mật độ cao (HDL), hoặc mức cholesterol tốt
  • Tăng nguy cơ dễ mắc bệnh tiểu đườngvà các vấn đề sức khỏe không tốt khác

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), việc thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:

  • Tăng huyết áp hoặc huyết áp cao
  • Rối loạn lipid máu, liên quan đến cholesterol LDL cao, cholesterol HDL thấp hoặc mức chất béo trung tính cao
  • Bệnh tiểu đường loại 2
  • Bệnh tim mạch vành
  • Đột quỵ
  • Bệnh túi mật
  • Viêm xương khớp
  • Ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp
  • Một số bệnh ung thư như là ung thưnội mạc tử cung, ung thư vú và ung thư ruột kết

Giống như béo phì ở người lớn, béo phì ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường và chứng ngưng thở khi ngủ.

Các Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) nói rằng trẻ em có chỉ số BMI cao cũng có nguy cơ cao hơn các triệu chứng:

  • Hen suyễn
  • Lòng tự trọng thấp và căng thẳng tâm lý

Lợi ích của việc có cân nặng ổn định

Ngoài việc giảm nguy cơ gặp các tình trạng xấu cho sức khỏe, việc duy trì cân nặng hợp lý còn mang lại những lợi ích như sau:

  • Giảm đau khớp và cơ
  • Tăng cường năng lượng và có khả năng tham gia nhiều hoạt động hơn
  • Cải thiện điều tiết chất lỏng cơ thể và huyết áp
  • Giảm gánh nặng sức ép cho tim và hệ tuần hoàn
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Phần kết luận

Chỉ số khối cơ thể BMI là một công cụ hữu ích giúp chúng ta dễ dàng sàng lọc để dự đoán các nguy cơ sức khỏe nhất định. Tuy nhiên, mọi người nên sử dụng nó một cách thận trọng, vì nó không tính đến các yếu tố khác – chẳng hạn như các mức độ hoạt động và thành phần trong cơ thể.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18-20 tuổi, chúng ta nên lưu ý một điều quan trọng là phải xem xét cả tuổi và giới tính của họ khi đo chỉ số BMI, vì cơ thể của họ sẽ liên tục thay đổi khi phát triển, hay còn gọi là sự tăng trưởng.

Bài viết liên quan